Sông Sài Gòn chết theo sông Thị Vải

Tin tức

Sông Sài Gòn chết theo sông Thị Vải


Để “trị bệnh” cầm hơi cho nguồn nước sạch của 1,5 triệu dân TP.HCM do ô nhiễm ngày càng trầm trọng của sông Sài Gòn, riêng nhà máy nước Tân Hiệp cần tiêu tốn thêm tối thiểu mỗi năm 50 tỉ đồng, tính đến thời điểm năm 2008.

Các nhà khoa học đã hoàn tất giai đoạn 1 đề tài nghiên cứu khoa học về thực trạng ô nhiễm sông Sài Gòn và ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố. Theo Kết quả nghiên cứu, các chỉ tiêu đối với nguồn nước thô trên sông Sài Gòn cung cấp cho các nhà máy nước Tân Hiệp như pH, Mn, Fe, Coliform, DO, độ đục… đều vượt chuẩn cho phép.

So năm 2005, năm 2008 chỉ tiêu về Mn tăng bốn lần, ammonium 10 lần, riêng tổng coliform – khuẩn gây ngộ độc đường ruột – tăng đến 30 lần.

Chỉ rõ nguồn gây ô nhiễm

Các nhà khoa học nhận định, hàm lượng Mn cần thiết cho con người nhưng tiếp xúc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho thần kinh, não, làm giới hạn sự phát triển trí thông minh và trí tuệ của trẻ em.

Theo nghiên cứu, nguồn gây ô nhiễm là từ khu vực tây bắc tỉnh Bình Dương, nơi có nhiều doanh nghiệp luyện sắt, thép, giấy, cao su xả thải ra sông Thị Tính đổ vào hạ lưu là sông Sài Gòn.

Toàn lưu vực sông Sài Gòn hiện có 29 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp, trong đó khu vực thượng nguồn là tỉnh Bình Dương có 18 khu công nghiệp và tám cụm công nghiệp. Trong tương lai con số này sẽ tiếp tục tăng cao; đồng thời, một địa phương vùng thượng nguồn khác là tỉnh Tây Ninh hiện đang phát triển các nhà máy sản xuất thực phẩm, hoá chất. Nhưng đáng lo ngại nhất là việc chế biến mủ cao su, giấy bột, sản xuất hoá chất và dệt nhuộm vì các ngành này phát sinh các loại hoá chất độc hại.

Kết quả nghiên cứu trên khá trùng khớp với kết quả quan trắc mới nhất của chi cục Bảo vệ môi trường thành phố. Các chỉ tiêu trên lưu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, nhất là sông Thị Tính đều vượt tiêu chuẩn cho phép và gia tăng so với cùng kỳ. Đơn vị này cũng nhận định, trong đó các chỉ tiêu BOD5, COD tăng mạnh nhất ở trạm Thị Tính chứng tỏ ô nhiễm hữu cơ từ phía Bình Dương chảy về TP.HCM.

Mỗi năm tiêu tốn ít nhất 50 tỉ đồng

Nhà máy nước Tân Hiệp có công suất 300.000m3/ngày, mỗi ngày khai thác 324.000m3 nước thô với họng thu nước đặt trên sông Sài Gòn, tại xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nhưng trong bán kính 15km xung quanh nhà máy nước Tân Hiệp, sông Sài Gòn hiện đang hứng chịu nhiều nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động của các doanh nghiệp và việc xả thải từ sinh hoạt.

Chất lượng nước mặt luôn “nhảy múa” khiến nhà máy nước Tân Hiệp phải tăng lượng hoá chất để đảm bảo xử lý, cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn. Nhưng có lúc ô nhiễm quá cao, nhà máy nước buộc phải giảm công suất cung cấp nước sạch cho người dân.

Trong xu thế ô nhiễm hiện nay, việc cải tiến công nghệ của nhà máy nước Tân Hiệp phải được đặt ra vì theo thiết kế, nhà máy chỉ có thể cung cấp nước đạt tiêu chuẩn với điều kiện nước mặt với các chỉ tiêu như Mn, chất hữu cơ và ammonium không quá ô nhiễm. Nếu cải tiến công nghệ xử lý và tính khấu hao 10 năm thì chi phí xử lý nước tăng thêm ít nhất gần 460 đồng/m3. Bình quân, hơn một triệu dân thành phố ở các quận Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, 6, 7, 8… phải chịu chi phí tăng thêm mỗi năm là gần 50 tỉ đồng.

Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng nguồn nước sông Sài Gòn tiếp tục ô nhiễm, vượt quá khả năng xử lý của nhà máy nước Tân Hiệp thì bắt buộc phải di dời trạm bơm lên hồ Dầu Tiếng. Khi ấy, xã hội sẽ phải gánh thêm phần chi phí gia tăng tương ứng với công suất của nhà máy nước Tân Hiệp là 300.000m3/ngày và 900.000m3/ngày (trong tương lai) là gần 580 triệu đồng/ngày và 1,55 tỉ đồng/ngày. Tổn thất chung cho một năm lên đến hơn 212 tỉ đồng và hơn 565 tỉ đồng.

Minh Phong-SGTT


Tin liên quan

Sản phẩm

Online

Online Lượt truy cập

Khách hàng

Thông tin hỗ trợ