Cho tăng giá, nước máy vẫn đen

Tin tức

Cho tăng giá, nước máy vẫn đen


Từ ngày 1/3, giá nước tại TP HCM sẽ tăng, kèm theo đó là những cam kết tăng chất lượng, giảm thất thoát... Thế nhưng, hiện nay chất lượng nước tại nhiều nơi đang gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và bức xúc đối với khách hàng.

Cho tăng giá, nước máy vẫn đen
Nước máy tại nhà chị Lê Thị Mừng màu vàng sẫm (ảnh chụp ngày 29/12/2009).

Các nhà máy cấp nước đều khẳng định chất lượng nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Các chi nhánh, công ty cổ phần phân phối nước cho rằng “chất lượng nước đảm bảo, đường ống thi công đúng kỹ thuật nên khó có chuyện nước đục” nhưng thực tế nhiều nơi thì ngược lại.

Vàng hơn nước trà

Theo thạc sĩ Hồ Long Phi - giảng viên bộ môn kỹ thuật tài nguyên nước Đại học Bách khoa TP.HCM, tình trạng cặn trong đường ống như người dân phản ảnh chủ yếu do chất lượng nước chứ đường ống không tự sinh ra cặn được.

Trước đây, hàm lượng mangan trong nước cao là nguyên nhân chủ yếu gây ra nước bẩn. Gần đây, hàm lượng mangan trong nước được xử lý tốt hơn nhưng có thể chưa triệt để.

Tại những khu vực dòng chảy yếu, lượng cặn dễ tích tụ, phát triển và theo nước chảy ra ngoài. Vì vậy, súc xả chỉ là giải pháp tình thế, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát thật chặt nước nguồn từ các nhà máy và cải tạo đường ống cũ mục.

Chiều 29/12/2009 trong hẻm 159/49 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình nước ngập lênh láng, màu vàng ố. Tuy nhiên, nước ngập không phải thoát ra từ hệ thống cống thoát nước mà phụt lên từ một điểm xả của ống cấp nước. Người dân ở đây cho biết chi nhánh cấp nước Tân Hòa (quản lý mạng lưới cấp nước quận Tân Bình, Tân Phú) cho lắp đặt một van xả cuối hẻm.

Mỗi khi có nước đục bà con gọi điện chi nhánh sẽ cho nhân viên đến mở van xả, nhưng do nước đục nhiều lần như thế nên khách hàng không còn đủ kiên nhẫn đợi mà tự mở van xả bỏ. Nước cứ tiếp tục phun hết vàng rồi trong nhưng vẫn còn lẫn khá nhiều tạp chất rắn màu đen...

Ông Nguyễn Bá Hùng, một người dân trong hẻm, cho biết đường ống cấp nước này lắp đặt khoảng sáu năm nay để cung cấp nước sinh hoạt cho 214 hộ gia đình thuộc khu dân cư Sư đoàn 367. Từ khi có đường ống, một tuần may ra được hai ngày nước trong. Những ngày khác nước đều vàng ố lẫn tạp chất, thỉnh thoảng còn có mùi dầu.

Nhiều lần bà con đã gọi điện báo chi nhánh cấp nước Tân Hòa nhưng chỉ được khuyến cáo nên xả bỏ khi có nước bẩn. Chị Lê Thị Mừng, nhà số 159/49/20, cho biết: “Chúng tôi đã xả bỏ rất nhiều, lượng nước bẩn chiếm hơn 2/3 lượng nước dùng trong tháng mà vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền cho chi nhánh cấp nước”.

Người dân trên đường Nguyễn Minh Hoàng (P.12, Q.Tân Bình) cho biết tình trạng nước đục thường xảy ra, có khi một tuần bị đục tới 2-3 lần, thường kéo dài trong 3-4 giờ, thậm chí cả ngày. Tuy không thường xuyên như ở đường Bạch Đằng nhưng mỗi lần nước bị đục, “chất lượng rất kinh khủng”. Nước đen như nước cà phê và có nhiều cặn. “Vừa sáng sớm mở vòi nước tôi phát hoảng khi nước máy đen ngòm, xả một hồi nhưng không hết. Đến chiều cùng ngày nước vẫn còn đen kịt” - một người dân cho biết về lần xảy ra nước đục vào cuối tháng 11/2009.

Cho tăng giá, nước máy vẫn đen

Người dân ở P.13, Q.Bình Thạnh mua từng can nước để dùng.

Không hiểu nguyên nhân

Giống những lần giải thích trước đây, các đơn vị cấp nước cho rằng tình trạng trên chỉ xảy ra cục bộ ở khu vực đang thi công nên đường ống bị va chạm dẫn đến bong tróc các lớp cặn bám. Nguyên nhân nữa là do đường ống cũ, lâu năm có lớp cặn bám nên khi có thay đổi áp lực dẫn đến bong tróc cặn trong đường ống.

“Cụ thể như khi Nhà máy nước Tân Hiệp tiến hành súc bùn hồ chứa nước vào ngày 25/12/2009 làm giảm sản lượng từ 7.000-10.000m3 đã xảy ra nước đục tại một số khu vực P.10 (Q.Gò Vấp) và đường Nguyễn Văn Quá (Q.12)” - lãnh đạo Xí nghiệp cấp nước Trung An giải thích. Nhưng rất nhiều người dân tại hẻm 331 Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp) không đồng tình với giải thích đó.

Họ cho rằng: “Đường ống cấp nước ở đây mới lắp đặt khoảng ba tháng nay nhưng cứ 3-4 ngày, lâu là một tuần thì nước máy lại vàng như nước trà đậm. Mỗi lần như thế chúng tôi phải xả bỏ nhiều nước nhưng vẫn không giảm”. Chị Trịnh Thị Xuân Hoa ở hẻm 331 nói: “TP đã đồng ý cho tăng giá, Sawaco cũng hứa tăng chất lượng nhưng nước máy lúc trong lúc đục thất thường như thế làm chúng tôi mất niềm tin và không thể an tâm sử dụng nước máy nữa”.

Một hộ dân ở đây cho biết trước đây xài nước giếng một tháng mới súc rửa lõi lọc bằng sứ một lần, nhưng từ khi xài nước máy mà năm ngày không súc rửa lõi lọc là nước không chảy. Khách hàng tại nhiều khu vực khác còn cho biết chất lượng nước thất thường nhưng mỗi lần phản ảnh với các đơn vị quản lý thì rất chậm được tiếp thu. “Khi có người xuống ghi nhận, cho súc xả qua loa coi như huề cả làng. Không lâu sau đó lại xảy ra tương tự” - một hộ dân ở đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình) nói.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, phó giám đốc Xí nghiệp cấp nước Trung An, cho rằng: “Tình trạng nước đục hiện nay đã đỡ nhiều so với trước đây. Đường ống làm rất kỹ, nước nguồn đảm bảo nhưng tình trạng chất lượng nước máy cứ chập chờn nhiều lúc chính tôi không hiểu nổi, không giải thích được. Chúng tôi đã kiến nghị Sawaco nên kiểm tra và súc xả định kỳ các tuyến ống cấp 1, cấp 2, cấp 3 những khu vực người dân phản ảnh nước đục”.

Trước đây, một phó tổng giám đốc Sawaco cho biết để giải quyết tình trạng nước đục thì giải pháp chủ yếu là tiến hành súc xả hệ thống đường ống. Tuy nhiên nhiều nhà khoa học cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và lượng nước súc xả cũng là lượng nước thất thoát.

Liệu kể từ ngày 1/3/'2010, ngoài việc phải trả tiền nước theo giá đã tăng, người dân có được chấm dứt phải trả thêm tiền cho lượng nước đục phải xả bỏ và còn bị tính tiền theo lũy tiến gấp nhiều lần vì lượng nước không dùng được ấy hay không? Nếu không thì điều đó hoàn toàn trái ngược với lý do mà Sawaco từng đưa ra trước đây để “thuyết phục” UBND TP cũng như khách hàng nhằm tăng giá nước.

Theo Tuổi Trẻ


Tin liên quan

Sản phẩm

Online

Online Lượt truy cập

Khách hàng

Thông tin hỗ trợ