Bee.net.vn - Kết quả quan trắc tài nguyên nước dưới đất từ đầu năm 2011 đến nay cho thấy, có sự suy giảm mực nước tại các khu vực đô thị lớn, hàm lượng asen, amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép, nguy cơ pha trộn giữa nước mặn vào nước nước nhạt... Phatrộn mặn vào nhạt
TS Nguyễn Thị Hạ, phó giám đốc Trung tâm Quan trắc & Dự báo Tài nguyên Nước cho biết: Các kết quả quan trắc nước từ đầu năm đến nay cho thấy, nước tại tầng nước mặt Holocen và tầng nước Pleistocen (tầng nước khai thác) có dấu hiệu bị suy giảm mực nước ở một số nơi.
Tại một số điểm quan trắc ở Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên như (Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, TPHCM), mực nước đã hạ thấp sâu, tiệm cận với mực nước hạ thấp cho phép. "Trong đất đá chứa nước thường có nhiều những hợp chất như vật chất hữu cơ... Khi mực nước hạ thấp, làm tăng tốc độ dòng chảy nước dưới đất có thể lôi kéo các khoáng chất không có lợi cho sức khoẻ vào nước", TS Hạ giải thích.
Thực tế chất lượng nước ngầm khác nhau tùy vào từng khu vực. Tại đồng bằng Bắc Bộ, kết quả phân tích hàm lượng các nguyên tố vi lượng từ 32 mẫu cho thấy, hàm lượng mangan-Mn có 17/32 mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP), hàm lượng các hợp chất ni tơ cho thấy cả 18/18 mẫu đều có hàm lượng amonin NH4+ cao hơn nhiều lần cho phép (cá biệt có những thời điểm vượt gấp tới hơn 90 lần cho phép hoặc tại một điểm tại Hà Đông (Hà Nội), chất ni tơ còn vượt tới 622 lần TCCP). Các mẫu có hàm lượng amoni vượt hơn 100 lần TCCP cũng được phát hiện thấy tại Hà Nam, Hà Đông và Hoài Đức (HàNội)...
Điều đặc biệt, nguồn nước ngầm có hàm lượng asen, amoni cao hơn tiêu chuẩn cho phép ở nhiều nơi còn có khả năng bị pha trộn với nước mặn. Thông thường nguồn nước ngầm mà chúng ta đang khai thác là nước nhạt (nước ngọt). Tuy nhiên, tầng trên hoặc tầng dưới tầng khai thác là các tầng nước mặn hoặc khu vực khai thác là nước nhạt gần các khu vực nước mặn. Khi khai thác quá mức sẽ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn vào nước ngọt theo cả chiều ngang cũng nhưchiều thẳng đứng.
Vẫn có thể cứu được nguồn nước ngầm
Hiện ở Việt Nam mới 730 công trình quan trắc trên 5 vùng đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng Nam Bộ. Mạng trạm thế này là thưa, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên, Nam Bộ... Việc thiếu các trạm quan trắc sẽ gây khó khăn trong việc kiểm tra được sự suy giảm của nguồn nước.
|
TS Nguyễn Hữu Hoan, nguyên giám đốc Trung tâm Phân tích & Xử lý Môi trường, Viện Hóa học Công nghiệp cho biết, điều đáng báo động là nguồn nước ngầm có hàm lượng một số hợp chất có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Ví dụ, nước có hàm lượng sắt, asen cao có thể gây ra hàng loạt những nguy cơ xấu tới sức khoẻ. Nước bị pha trộn mặn sẽ không đạt chỉ tiêu nước sinh hoạt, khi đã bị mặn, chúng ta sẽ mất hẳn nước để sinh hoạt, nếu sử dụng có thể hại đến thận. Khi đó, nước chỉ có thể để "nuôi tôm" chứ không thể dùng để ăn, uống...
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã cho thấy, tuy bị suy giảm nhưng nếu biết cách vẫn có thể cứu được nguồn nước ngầm. Nếu biết cách khai thác và điều tiết một cách hợp lý, không khai thác nước tự phát thì có thể tránh được việc khai thác vào vùng nước mặn.
Ngoài ra, nước ngầm có khả năng tự phục hồi, vì thế, nếu có sự điều chỉnh thích hợp thì có thể giúp nguồn nước không bị "chạm đáy". Ở Hạ Đình, Hà Nội, sau khi điều chỉnh công suất khai thác, mực nước năm 2008 đã dâng lên được thêm 3m so với năm 2006.
Ngoài ra, điều đáng nói, trừ nước bị nhiễm sắt, bị nhiễm mặn có thể phát hiện (nước nhiễm sắt có màu vàng, nước nhiễm mặn có vị mặn) còn hầu hết khi nước bị nhiễm bẩn, người dân không thể phát hiện bằng mắt thường. Vì thế, cách tốt nhất là nên mang nước đi kiểm tra để biết nước có bị nhiễm bẩn không. Tại các vùng nông thôn, nơi hệ thống nước máy chưa về đến, tốt nhất, mỗi nhà nên làm các bể lọc nước. Nếu không có điều kiện có thể sử dụng các phương pháp lọc truyền thống như sỏi, cát. Tuy nhiên cần lưu ý, sau một thời gian nên thay hoặc phải sục rửa các vật liệu lọc.