Kinh hoàng nước sinh hoạt

Tin tức

Kinh hoàng nước sinh hoạt


Người dân hoảng vía vì nước tương có nhiễm chất gây ung thư, sợ hãi vì các loại thực phẩm có chứa hoá chất gây độc hại cho cơ thể. Nhưng có một thứ còn nguy hiểm hơn, đó là nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Một bộ phận rất lớn người dân TPHCM đang sử dụng các nguồn nước ô nhiễm.

Người dân hoảng vía vì nước tương có nhiễm chất gây ung thư, sợ hãi vì các loại thực phẩm có chứa hoá chất gây độc hại cho cơ thể. Nhưng có một thứ còn nguy hiểm hơn, đó là nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Một bộ phận rất lớn người dân TPHCM đang sử dụng các nguồn nước ô nhiễm.

Ai bảo nước máy là sạch?

Liên tục trong các ngày từ 3-6/6, nhiều hộ dân ở các quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 8, Bình Tân, Tân Phú kêu trời vì nước máy đục như nước cống và có mùi tanh. Một số người không biết kêu ai nên gọi đến báo: "Nước nhà tôi đen thui, nhờ nhà báo đến giúp giùm".

Nhà báo không giải quyết gì được vụ nước đục này, nhưng phản ánh giúp bà con thì sẵn sàng. Bà Nguyễn Thị Đào, số nhà 368/865 đường CMT8 phường 4, quận Tân Bình mang ra xô nước đục như nước trà, nói: "Đã ba hôm nay nhà tôi không thể sử dụng được nước máy. Các anh xem nước kinh khủng như vậy ai xài". Bà Đào cho biết đã súc xả mất rất nhiều khối nước nhưng nước vẫn đục. Bà phải mua nước tinh khiết về để nấu ăn, tốn tiền cũng phải chịu chứ nước bẩn quá nhìn thấy sợ.

Chị hàng xóm của bà Đào nghe nhà báo đến cũng chạy sang, đem theo tấm vải gạc dùng lọc nước bẩn, tấm vải trắng đã biến thành màu đen - chị nói: "Các anh xem, tôi lọc nước máy mà đen thui như nước cống thế này đây". Chị Vương Thị Trang - chủ tiệm uốn tóc Quỳnh Trang - nói rằng, mấy hôm liền không dám gội đầu cho khách, nước đen thui vậy khách sợ lần sau họ không dám đến. Nhà chị phải mua nước tinh khiết để dùng, đánh răng rửa mặt cũng không đụng đến nước máy.

Dọc theo hẻm 368 đường CMT8 và các con hẻm lân cận có hàng trăm hộ dân, trong đó có hàng chục quán ăn, quán giải khát. Những hàng quán này chắc chắn không thể mua nước tinh khiết về để nấu thức ăn bán cho khách. Làm được vậy thì rất tốt, nhưng lỗ là cái chắc, nước tinh khiết dùng cho cả quán ăn chịu sao xiết.

Ngay cạnh nhà bà Đào, có một chị bán chè đậu đen. Hỏi dùng nước gì để nấu chè, chị ậm ừ không nói. Tại quán cơm tấm số 368/709 CMT8, anh chủ quán trần trùng trục nướng thịt, vừa lật miếng thịt vừa than mấy hôm rày nước đục quá, phải mua nước tinh khiết về dùng, rất tốn kém. Anh cam đoan chỉ sử dụng nước tinh khiết để nấu ăn phục vụ cho khách, anh nói: "Nấu bằng nước bẩn đó vô lương tâm lắm. Chờ khi nào nước hết đục hẳn sẽ hay".

Quán cơm tấm của anh rất nhỏ, chỉ có vài bàn, nên có thể anh đủ sức để không xài nước bẩn. Nhưng còn hàng chục quán khác thì sao, thực khách không thấy nước đục, nhưng bát phở, đĩa rau trên bàn họ đều qua xử lý bằng nguồn nước "cống". Ngẫm lại mới thấy dân gian có câu rất chí lý: "Khuất mắt trông coi".

Theo giải thích của Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố có khoảng 850km đường ống cũ mục (tuổi đời trên 30 năm) cần phải cải tạo thay thế. Và tình trạng nước máy bị đục trong những ngày qua là do tăng công suất Nhà máy nước Tân Hiệp từ 180.000m3/ngày trước đây lên 230.000m3/ngày để cung cấp nước cho một số khu vực huyện Nhà Bè, Q.8. Khi nhà máy tăng công suất đã làm biến động thuỷ lực gây xáo trộn dòng chảy trong đường ống khiến những lớp cặn bám, gỉ sét trong đường ống, nhất là hệ thống đường ống cũ bị bong tróc dẫn đến hiện tượng nước máy ở các khu vực trên bị đục, nước máy có màu vàng hoặc cặn đen...

Tình trạng này xảy ra hơn 3 năm nay, nhưng Sawaco vẫn chưa thể khắc phục triệt để vì đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó trước mắt chỉ hạn chế nước máy bị đục bằng hình thức súc xả đường ống định kỳ, quản lý thuỷ lực mạng đường ống, tránh tạo ra những biến động làm xáo trộn dòng nước...

Tình trạng này xảy ra hơn 3 năm nay, nhưng Sawaco vẫn chưa thể khắc phục triệt để vì đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do đó trước mắt chỉ hạn chế nước máy bị đục bằng hình thức súc xả đường ống định kỳ, quản lý thuỷ lực mạng đường ống, tránh tạo ra những biến động làm xáo trộn dòng nước...

Ẩn hoạ nước giếng khoan

Trên địa bàn quận Tân Bình, Bình Tân, một bộ phận rất lớn dân cư không có nước máy để sử dụng, nên họ phải khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Nhưng có một điều, không ai biết được chất lượng nguồn nước mà họ đang sử dụng. Họ khoan giếng, lấy nước và tự kiểm nghiệm bằng mắt thường, cứ thấy nước trong tất nhiên là nước sạch.

Chị chủ quán nước đối diện với UBND phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú bưng ra hai ly đá chanh, nói rằng dân ở trong khu vực này không có nước máy, toàn bộ đều dùng nước giếng. "Chị có đưa mẫu nước đi xét nghiệm trước khi sử dụng không?" - chúng tôi hỏi. "Dân ở đây không ai quan tâm chuyện chất lượng nguồn nước, thấy nước trong là được" - chị trả lời tỉnh queo.

Đến khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hoà để tìm hiểu thêm về nước sinh hoạt, mới thấy người dân khu vực này đang sử dụng nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm rất cao. Ơ đây có khu nghĩa địa lớn, tồn tại cả trăm năm nay. Các hộ dân sống chung quanh nghĩa địa chỉ sử dụng nước giếng khoan.

Anh Lê Bá Sơn (320/15 đường Gò Dầu, P.Tân Quý, Q,Tân Phú), than phiền: "Chỉ một số ít được xài nước máy, còn lại là giếng khoan tất. Vài năm trước đây hầu hết người dân đều khoan giếng sâu khoảng 25-30m, và chỉ xài một thời gian ngắn thì phát hiện nước bơm lên có màu đục ngà, mùi hôi tanh đến rợn người, không ăn uống gì được. Nước ô nhiễm buộc người dân phải bỏ giếng cũ và khoan giếng mới ở độ sâu 70-80m. Nay mặc dù nước đã trong hơn, không có mùi hôi tanh, nhưng thật tình chúng tôi không làm sao biết nước có đảm bảo chất lượng hay không? Nhưng không có nước máy, dân đành sử dụng giếng khoan".

Rời khu nghĩa địa, chúng tôi đến các cụm dân cư chung quanh khu xử lý rác Gò Cát. Với diện tích chôn rác rộng khoảng 17ha và tiếp nhận 3.000-4.000 tấn rác/ngày, đây là địa chỉ gây ô nhiễm lừng danh nhất đất Sài Gòn. Quả là danh bất hư truyền, trên đường đến khu xử lý rác, chúng tôi phát nôn vì mùi hôi nồng nặc mà người dân thành phố gọi là "mùi rác". Rất lạ là người dân ở đây không có biểu hiện gì là "mình đang bị hôi", vẫn mua bán, sinh hoạt bình thường.


Ảnh minh họa

Miếng gạc lọc nước máy chuyển sang màu đen kịt


Ông Đỗ Văn Chiến, ngụ 649 QL1A, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, chủ quán nước ngay trước khu xử lý rác tâm sự: "Mấy năm nay dân ở đây chịu đựng mùi hôi thối của bãi rác này nên quen rồi. Đôi lúc tôi nhìn ra đường, thấy người đi đường đưa tay bịt mũi, bụm mặt, nhổ nước bọt mới biết rằng không khí đang bị ô nhiễm, đang rất hôi thối, nhưng lỗ mũi mình quá quen với nó nên không biết". Kinh khủng hơn là nguồn nước mà gia đình ông Chiến đang sử dụng để nấu ăn, bán nước giải khát cho khách đi đường hàng ngày được lấy lên ở độ sâu chỉ vỏn vẹn 30m và cách bãi rác Gò Cát chưa đầy 50m.

Dọc theo các hộ dân sống chung quanh bãi rác, chúng tôi sợ chết khiếp vì mùi hôi, và không hiểu tại sao người dân có thể chịu đựng được suốt bao năm nay. Nhưng đáng sợ nhất là nước. Toàn bộ hộ dân chung quanh bãi rác đều khoan giếng lấy nước. Ai cũng biết các ngành chức năng TPHCM bất lực trong khâu xử lý rác ở khu xử lý rác Gò Cát, nước rỉ rác chảy ra gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước rỉ từ vài ngàn tấn rác mỗi ngày chảy đi đâu ngoài con đường thấm vào lòng đất. Người dân trong khu vực cũng không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc hút nước dưới lòng đất lên để sử dụng.

Ông Cậy, một người dân ở khu phố 4, phường Bình Hưng Hoà nói giễu cợt nhưng rất đau đớn: "Bây giờ các anh nhà báo đến để viết về nguồn nước bị ô nhiễm. Nhưng vài năm nữa sẽ đến đây để viết làng ung thư, thậm chí là quận ung thư". Bà chủ nhà số 42/9 đường số 9, tổ 72, khu phố 4 thuộc phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, ở cách bãi rác chừng 100 mét, chỉ tay vào đứa cháu nội mới bốn tháng tuổi, đang nằm trên võng - nói: "Thi thoảng tôi phải mang cháu đi sơ tán trên Bình Dương một tuần cho đỡ hôi nó. Mình lớn rồi chết chẳng sao, nhưng trẻ con tội nghiệp".

Bà còn nói rằng biết rất rõ nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng, nhưng không còn cách nào khác là phải tự cứu mình trước. Nhà bà sử dụng một dụng cụ lọc nước, hút nước giếng khoan lên rồi cho vào bình lọc. Lấy nước đó nấu ăn. Mua thêm nước tinh khiết để dành dùng cho đứa bé. Biết có nhà báo đến tìm hiểu nguồn nước, nhiều người kéo đến hỏi: Bao giờ thì đóng cửa bãi rác? Nếu bãi rác còn thì không sớm thì muộn, dân ở đây cũng nhiễm bệnh thành làng ung thư.


(theo LĐ)

Việt Báo (Theo_VnMedia)


Tin liên quan

Sản phẩm

Online

Online Lượt truy cập

Khách hàng

Thông tin hỗ trợ